Trong cuốn sách của tác giả Lý Ái Linh, có một độc giả đã gửi câu chuyện của mình, băn khoăn rằng có nên tiếp tục ở bên người bạn trai gia trưởng của cô ấy. Lý Ái Linh không đưa ra lựa chọn phải làm thế nào mà đã đưa ra hai khái niệm về sự gia trưởng và chủ nghĩa nam quyền. Hôn nhân không phải là đoạn kết cho một mối quan hệ mà là khởi đầu con đường mới với một người đồng hành. Điều chúng ta cần để không khiến đôi bên bước vào mối quan hệ đầy bất công là sáng suốt thay vì thỏa hiệp. Không có lựa chọn duy nhất, cũng không có lựa chọn tốt nhất, chỉ có đối tượng phù hợp nhất.
Trách nhiệm và quyền lợi.
Đàn ông gia trưởng chỉ đòi hỏi quyền lợi của mình trong gia đình, tự cho mình những đặc quyền áp đặt người khác phải phục tùng, dùng danh nghĩa để trói buộc người khác đáp ứng mọi mong muốn, yêu cầu của mình.
Đàn ông theo chủ nghĩa nam quyền là người ý thức được cả trách nhiệm và quyền lợi của mình trong gia đình. Anh ta biết mình cần phải bỏ ra những gì để đóng góp cho gia đình, điều gì anh ta xứng đáng được hưởng từ những thành viên trong gia đình.
Yếu tố phân biệt đàn ông gia trưởng và đàn ông theo chủ nghĩa nam quyền chính là hai chữ trách nhiệm. Đàn ông ý thức được quyền lợi của mình, đấu tranh cho những gì mình mong muốn vốn không xấu. Nhân sinh ai cũng muốn bản thân mình sở hữu một cuộc đời tốt đẹp, nhưng tốt đẹp đến đâu còn phụ thuộc nhiều điều. Quan trọng là người đàn ông biết mình cần phải làm gì để đổi lấy những mong muốn đó. Người đàn ông gia trưởng tập trung vào quyền lợi mà anh ta mong muốn có được hơn là suy nghĩ đến việc anh ta cần phải làm. Người đàn ông theo chủ nghĩa nam quyền sẽ cân bằng trách nhiệm và quyền lợi của bản thân, anh ta ý thức được vị trí trụ cột của mình, đồng thời không để bản thân phải chịu thiệt thòi.
Đối với người đàn ông gia trưởng, bạn đừng mong có thể can thiệp vào những quyết định của anh ta. Lời anh ta nói là mệnh lệnh, bạn chỉ có thể tuân theo, một khi trái ý anh ta, bạn sẽ bị anh ta “dạy dỗ”. Quyền lợi của người phụ nữ bên cạnh anh ta chỉ được dùng để hy sinh cho cuộc sống của anh ta được vẹn tròn. Bạn sẽ thường xuyên phải nghe những câu nói:
“Anh chỉ cần một người phụ nữ ở nhà chăm lo gia đình”.
“Em có gia đình rồi, bạn bè ít thôi, để làm gì đâu, mà tốt nhất là dẹp đi”.
“Đàn bà có chồng rồi, cần gì quần nọ áo kia, mỹ với chả phẩm, tốn tiền”.
Anh ta tự cho mình một đặc quyền là bạn phải thông cảm mọi mối quan hệ xã hội, công việc, hoàn cảnh mà anh ta gặp phải, bao dung tha thứ những lỗi lầm của anh ta để gìn giữ gia đình. Không có chiều ngược lại, công việc, vòng giao tiếp của bạn là không cần thiết, hy sinh là trách nhiệm, chịu thiệt thòi là điều hiển nhiên, hành động vĩ đại là nghĩa vụ. Những người phụ nữ mưu cầu sự an phận, lấy nét đẹp truyền thống, lòng vị tha làm giá trị sống sẽ chung sống được với người đàn ông gia trưởng. Họ không tham vọng phấn đấu, chỉ muốn được chăm sóc gia đình, bình ổn qua ngày. Đàn ông gia trưởng không phải là người xấu, nhưng người phụ nữ bên cạnh họ sẽ bị gò bó hơn nhiều.
Người đàn ông đề cao chủ nghĩa nam quyền sẽ tôn trọng ý kiến của bạn, chủ động trao đổi với bạn về mọi vấn đề cần thiết. Anh ta không chỉ đủ năng lực lo cho bạn cuộc sống đầy đủ, muốn thực hiện nghĩa vụ làm người đàn ông của bạn một cách chu toàn, không ngại việc bạn vòi vĩnh những món đồ được coi là “vô bổ” trong mắt họ, miễn trong điều kiện họ có thể đáp ứng. Nhưng anh ta không ngại bộc lộ những kỳ vọng của bản thân đối với công việc, sự hiểu biết của bạn. Anh ta sẽ nói với bạn:
“Anh không cần em kiếm được nhiều tiền, anh hoàn toàn đủ khả năng nuôi em, nhưng anh không muốn vợ anh trở thành người phụ nữ u uất, bị xã hội bỏ lại phía sau”.
Bạn được tự do sắp xếp cuộc sống theo ý mình, cân bằng công việc gia đình, sự nghiệp, thời gian cho các mối quan hệ khác, cho bản thân. Một ngày nào đó bạn từ bỏ ý chí phấn đấu trở thành phụ nữ độc lập, mất đi cốt khí sắc sảo, sức sống vốn có, người đàn ông của bạn sẽ dần cảm thấy bạn không còn sức hút.
Một điểm chung duy nhất là đàn ông đều không đồng tình việc bạn lớn tiếng quát tháo với anh ta. Thực ra đàn ông hay phụ nữ đều vậy, nếu chịu đựng đối phương dùng âm lượng từ thanh quản để kiểm soát mình, chẳng qua là họ nhu nhược với tình cảm của bản thân, thiếu chính kiến và giới hạn cá nhân trong mối quan hệ. Tuy nhiên, những bất đồng hoàn toàn có thể xảy ra, sự tức giận nhất thời của bạn sẽ giúp bạn xác định được mình đang ở bên một người đàn ông thế nào. Đàn ông gia trưởng sẽ muốn chế ngự, thể hiện sự hiếu thắng với bạn, mọi lý lẽ từ có lý đến vô lý đều được đưa ra. Đàn ông theo chủ nghĩa nam quyền thích đóng vai người lớn, dùng sự đồng cảm để bạn bình tĩnh trở lại, sau đó mới phân tích và để bạn suy nghĩ xem đúng sai ở đâu. Một kiểu sẽ khiến cho khoảng cách của hai người dần trở nên xa hơn, một kiểu sẽ khiến hai người càng ngày càng hiểu nhau.
Sống cùng đàn ông, nên dịu dàng nhưng đừng tuỳ tiện thoả hiệp
Tình yêu và hôn nhân
Người đàn ông gia trưởng có thể thích thú nhìn ngắm những cô gái nóng bỏng, tán thưởng những người phụ nữ bản lĩnh, nhưng anh ta sẽ lựa chọn người phụ nữ truyền thống để kết hôn. Lý do bởi họ luôn trong trạng thái bất an, sợ hãi những nguy cơ do họ tưởng tượng ra, lại có quá nhiều đòi hỏi đối với người vợ trong cuộc sống gia đình. Tất yếu hơn là những người phụ nữ hiện đại không bao giờ lựa chọn những người đàn ông gia trưởng. Những cô gái có tâm lý an phận, đặt gia đình lên trước bản thân, thậm chí hy sinh bất chấp mọi điều mới có thể chung sống lâu dài với người đàn ông như thế.
Nếu hình mẫu phụ nữ anh ta thích và kết hôn là một, bạn sẽ có một cuộc hôn nhân lâu bền. Ngược lại, nếu hình mẫu phụ nữ anh ta thích và hình mẫu phụ nữ để kết hôn hoàn toàn khác nhau, một ngày nào đó sự hy sinh của bạn sẽ trở nên vô ích. Dù sao đi nữa, kết hôn với người đàn ông gia trưởng không phải hoàn toàn không có hạnh phúc, nhưng chắc chắn bạn phải thỏa hiệp với sự hy sinh bản thân.
Người đàn ông theo chủ nghĩa nam quyền không quan trọng bạn thuộc hình mẫu gì, thoả mãn tiêu chuẩn nào, chỉ cần đôi bên có đủ tình yêu, anh ta sẽ cưới bạn. Anh ta tự tin rằng bản thân là người đàn ông tốt nhất dành cho bạn, sẽ mang lại cho bạn hạnh phúc. Đàn ông gia trưởng cảm thấy bất hạnh khi về nhà không có vợ chuẩn bị sẵn cơm lành canh ngọt, bật sẵn bình nước nóng, quần áo phơi chưa được thu, đồ thay ra chưa được giặt. Công việc của bạn là thứ yếu, chu toàn việc nhà mới là sứ mệnh hàng đầu. Nhưng với người đàn ông theo chủ nghĩa nam quyền, việc lớn việc nhỏ gì cũng không thể làm khó anh, em bận chăm con, anh sẽ giặt đồ, em nấu cơm, anh sẽ rửa bát. Anh ta thà tan làm cùng bạn, làm việc nhà cùng bạn còn hơn mỗi ngày trở về chứng kiến vợ đầu tắt mặt tối, đôi bên không có thời gian để đối thoại với nhau nổi một câu. Bởi vậy, bạn luôn phải cho đối phương thấy mình có hiểu biết, có phấn đấu, có kết quả để duy trì sự tôn trọng và sức hút của người đó.
Đối với người đàn ông gia trưởng, mọi ngày lễ, ngày kỷ niệm đều là phù phiếm, sẵn sàng bỏ qua nhẹ tựa lông hồng. Còn người đàn ông theo chủ nghĩa nam quyền, anh ta có thể lãng mạn hoặc không, ít nhất bạn không có buổi tối lãng mạn như phim truyền hình với hoa và ánh nến, bạn cũng sẽ có một người đàn ông dành thời gian ở bên bạn uống trà sen vàng, ăn vặt, nói chuyện phiếm. Trong lòng anh ấy, sự quan tâm dành cho bạn là điều anh ta tự nguyện, muốn làm và cho rằng cần phải làm.
Kết hôn với người đàn ông gia trưởng hay không gia trưởng cũng được, nhưng anh ta nhất định phải yêu bạn.
Gia đình đôi bên
“Bố mẹ em cũng như bố mẹ anh, anh chị em của em cũng là anh chị em của anh”
Điều này nhiều người đàn ông nói, nhưng không phải ai cũng làm được. Người đàn ông gia trưởng hay so sánh và tính toán với gia đình vợ, nhưng luôn đòi hỏi nghĩa vụ của vợ đối với gia đình mình. Tư tưởng phụ nữ làm dâu phải toàn tâm toàn ý phục vụ nhà chồng ăn sâu vào suy nghĩ của những người đàn ông này. Trong những gia đình đó, người vợ luôn là người tất bật bên nội bên ngoại, ma chay, cưới hỏi, chăm lo người ốm, bố mẹ, con cái khi người chồng chẳng bao giờ phải đụng một ngón tay.
Người đàn ông theo chủ nghĩa nam quyền ý thức cao về trách nhiệm. Anh ta sẽ không cổ súy cho bạn hời hợt trong việc chăm lo gia đình, cũng không mở miệng đưa ra yêu cầu trói buộc. Nhưng anh ta sẽ để ý những việc bạn làm, cảm ơn công sức của bạn sau mỗi một biến cố, bù đắp cho gia đình bạn, để ý đến những tâm nguyện bạn mong muốn thực hiện cho gia đình, giúp bạn hoàn thành nó. Sự vất vả của bạn sẽ khiến anh ấy muốn hoàn thiện bản thân để gánh vác được nhiều hơn, thay vì phó mặc cho một mình bạn.
Nếu không mong muốn sự hy sinh chỉ từ một phía, hãy chủ động đưa ra yêu cầu thay vì kỳ vọng chồng bạn "tự biết".
Giới tính không phải là lý do ngụy biện cho sự gia trưởng
Thời độc thân, khi tôi nói
“Không bao giờ kết hôn với người gia trưởng”.
Câu trả lời tôi nhận lại từ những người lớn luôn là
“Đàn ông thằng nào chẳng có tính gia trưởng, nhiều hay ít thôi”.
Thực ra đây là một sự hiểu lầm tai hại cho những người đàn ông đề cao chủ nghĩa nam quyền. Họ có nguyên tắc sống rõ ràng, có giới hạn cá nhân, có sự tự tin và lòng tự trọng. Đàn ông gia trưởng chỉ có sự đòi hỏi, tự ti, luôn trong trạng thái cảnh giác, ngập tràn sự tự ái, tính sĩ diện. Công tâm mà nói, gia trưởng và chủ nghĩa nam quyền vốn đối lập với nhau. Cũng có những người không thuộc cả hai trường phái này, dù sao thì con người vốn rất đa dạng, không phải hàng hoá để phân loại. Thay vào đó, việc xác định đối phương của mình thuộc trường phái nào giúp bạn có sự cân nhắc kỹ lưỡng hơn lựa chọn hạnh phúc phù hợp với mình. Chính những người phụ nữ hay dùng giới tính làm lý do bao biện cho đàn ông cũng luôn mở miệng kêu ca oán thán bất công. Họ chỉ đang cố gắng tự an ủi bản thân, an ủi lẫn nhau bằng số mệnh, bằng bản tính trời sinh, chứ chưa từng dừng lại việc dung túng cho sự ngang ngược đó phát triển. Sau này, những người phụ nữ đó lại giáo dục con gái, con dâu tiếp tục chịu đựng và chấp nhận sự gia trưởng như một lẽ hiển nhiên trong hôn nhân.
Một bản đăng ký kết hôn có hiệu lực như một lời cam kết được pháp luật bảo hộ, nhưng trên đó không có điều khoản thỏa thuận nào cả. Quá trình đôi bên tìm hiểu nhau chính là giai đoạn đàm phán những nguyên tắc sống để thỏa mãn quyền lợi và trách nhiệm của nhau. Đáng tiếc là chúng ta hay làm ngược lại quá trình đó, chúng ta thỏa hiệp theo ý đối phương vô điều kiện cho đến khi “hợp đồng hôn nhân” được ký kết xong mới đưa ra những yêu cầu, nguyên tắc của mình. Bạn có thể bao biện cho mọi điểm bất đồng của đối phương với mình, rằng ai cũng thế cả. Bước vào hôn nhân, vô thức bạn lại so sánh đối phương với những người khác. Không hẳn đối phương không tốt bằng người khác, mà chính bạn đưa ra lựa chọn không phù hợp ngay từ đầu. Tình trạng khủng hoảng xảy ra trong hôn nhân là điều dễ hiểu. Mọi lựa chọn đều có thể đưa đến kết quả hoặc hậu quả, dù bạn được gì, mất gì, chấp nhận hay sửa chữa nó, bạn đều phải trả một cái giá nhất định. Không có lựa chọn nào được gọi là vẹn cả đôi đường cả.
Comments