top of page

[REVIEW SÁCH] Không sợ chậm, chỉ sợ dừng - Vãn Tình, cuốn sách giúp tỉnh thức.

Vãn Tình là nhà văn, doanh nhân người Trung Quốc. Chị là tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy như Bạn đắt giá bao nhiêu; Khí chất bao nhiêu, Hạnh phúc bấy nhiêu; Không tự khinh bỉ, không tự phí hoài; Lấy tình thâm mà đổi đầu bạc… Chị kinh doanh hệ thống cửa hàng bán đá quý, là doanh nhân tự thân thành đạt. Ở Vãn Tình nổi bật hình ảnh một người phụ nữ độc lập, chủ động, không kém sắc sảo nhưng cũng có chiều sâu.


Ảnh: saysach.

Sau khi nổi danh với những tác phẩm văn học thuộc thể loại tản văn, phản ánh nhiều quy luật hiện thực cuộc sống phụ nữ. Vãn Tình đã có một sự đổi mới khi cho ra đời tác phẩm Không sợ chậm, chỉ sợ dừng. Cuốn sách thuộc thể loại phát triển bản thân, hướng đến cuộc sống tự do dựa vào việc thay đổi bản thân. Thông điệp mà cuốn sách mang đến là sự dũng cảm, kiên trì với lựa chọn, nỗ lực phấn đấu để đạt được những thành tựu, từ đó có được sự tự do cả về tinh thần và vật chất.


Cuốn sách được phát hành vào thời điểm tôi đang nghỉ thai sản, lúc đó bé cũng khá cứng cáp và mẹ có thể dành một chút thời gian nho nhỏ mỗi ngày cho bản thân. Lúc đó dịch bệnh Covid-19 vẫn còn là mối lo ngại lớn với toàn xã hội, để bảo vệ hai mẹ con, hầu như tôi chỉ có thể ở nhà, giam mình trong bốn bức tường bí bách. Tôi đọc sách như một cách giải tỏa cảm xúc tiêu cực. Ngẫu nhiên khi đang cần tìm một cuốn sách mới thì Không sợ chậm, chỉ sợ dừng đã xuất hiện.


Vốn là một người yêu quý những tác phẩm của Vãn Tình, khi cuốn sách này vừa ra mắt với tấm bìa đỏ rực thu hút. Tôi đã mua nó ngay lập tức. Với một vài trang đầu, tôi thực sự như bị dội nước lạnh. Những gì cuốn sách viết là những gì tôi cần để lấy lại cân bằng, có thêm động lực dấn thân vào công việc mới. Tôi mạnh dạn nghỉ việc ở công ty cũ. Tình hình kinh doanh của công ty cũng không còn khả quan sau bệnh dịch, chuyện đi hay ở khiến tôi lấn cấn rất lâu. Những động lực mới được tạo ra khiến tôi dứt khoát thay đổi bản thân, chuyển việc và cũng chuyển ngành.



Ảnh: reader.

Sách của Vãn Tình trước giờ luôn mang màu sắc hiện thực hết sức thực tế, không vỗ về tâm hồn, cũng không khiến người ta tổn thương. Những câu chữ nhẹ nhàng và đanh thép khiến cho người đọc nó cảm thấy tỉnh ngộ. Điều này tương tự như khi bạn đang đi trong một khu rừng mông lung, u mê mất phương hướng thì bỗng nhiên bạn thấy có ánh sáng vậy. Ánh sáng không giúp bạn tìm được con đường để thoát khỏi khu rừng, nhưng nó cho bạn hy vọng, cho bạn cảm giác được đồng hành, tự bạn vẫn phải tìm ra con đường thoát.


Cuốn sách Không sợ chậm, chỉ sợ dừng đã dạy tôi nhiều điều:


Tính kỷ luật là chìa khóa để mở cánh của mang tên “thay đổi bản thân”.

Bạn không thể kiên trì đi đến đích nếu thiếu tính kỷ luật. Người ta hay nói không thể kiên trì nổi, chẳng qua cũng là thiếu tính kỷ luật. Bạn ở trong một tổ chức, một doanh nghiệp, một lớp học, bạn phải tuân theo nội quy của nơi đó. Bạn hoạt động tự do, tính kỷ luật thể hiện ở cam kết, quyết tâm thực hiện nó của bạn. Con người một khi trở nên buông thả, dễ dãi với bản thân, sẽ chẳng còn mục tiêu nào tồn tại trong họ cả, không thể trách tại sao việc gì cũng không thành.


Dám lựa chọn, dám tự chịu trách nhiệm.

Nhiều người cứ luôn oán thán tại sao lương thưởng thấp, tại sao chế độ thiếu điều này điều kia, trong khi mỗi ngày đến công ty nhàn rỗi, hưởng lạc. Có người lại trách móc sao ông trời bất công, sao không để mình có xuất thân một gia đình bề thế, sung túc, con đường sự nghiệp sẽ dễ dàng hơn. Thực ra họ chưa bao giờ tự đặt lựa chọn cuộc đời trong tay mình, phó mặc cho số phận, lý do to hơn mục đích. Nếu không đạt được kỳ vọng, là tại người khác, tại hoàn cảnh, họ không có lỗi gì hết. Người không dám lựa chọn, cái gì cũng muốn được lợi hết, không bao giờ tự gánh vác bản thân là người ngay từ đầu đã từ bỏ cuộc sống tự do rồi.


Thay đổi bản thân thay vì mong chờ người khác thay đổi.

Trong cuộc sống này, điều duy nhất bạn nắm được quyền thay đổi chính là bản thân bạn. Đừng mong chờ thay đổi người khác, vì bản thân bạn tự thay đổi mình cũng đã là cả một cuộc cách mạng. Bạn trở nên tốt hơn, cuộc sống sẽ trao cho bạn những giá trị tương đương. Bạn có năng lực, bạn sẽ có nơi làm việc tốt, những đồng nghiệp tốt, chất lượng cuộc sống tốt, gia đình hạnh phúc. Bạn không chịu thay đổi mình trở thành con người có giá trị, bạn không thể mong mọi người sẽ trân quý bạn nhiều hơn. Giá trị ở đây không phải là vật chất, đó là nhân sinh quan, thế giới quan, nhân cách, năng lực của bạn. Người có giá trị cao, ắt sẽ được xã hội trân trọng.


Có rất nhiều tác giả trước Vãn Tình ủng hộ sự tự do, kêu gọi mọi người sống độc lập tự chủ. Nhưng chỉ ở Vãn Tình, lời văn mang tư chất riêng của chị ấy khiến tôi cảm thấy điều đó không chỉ dừng lại ở hô khẩu hiệu. Cái chúng ta cần là một sự thay đổi, có lẽ điều này còn phụ thuộc vào cá nhân mỗi người. Khi trong lòng bạn mang tấm lòng không ngại phấn đấu, nỗ lực, khao khát sự tự do từ trong tiềm thức, bạn sẽ không thể ăn ngon ngủ kỹ chừng nào bạn chưa thấy mình bắt đầu. Cảm giác của tôi khi ấy thực sự rất sốt ruột, đứng ngồi không yên, rất muốn được làm việc. Cũng có thể do tôi ở nhà chăm con quá lâu, điều đó mới trở nên dữ dội như vậy. Lần đầu tiên trong đời tôi cảm nhận rõ cái gì là thiên thời - địa lợi - nhân hoà, mọi thứ từ bản thân tôi hay từ bên ngoài đều ủng hộ tôi chuyển đổi công việc.


Ảnh: reader.

Không sợ chậm, chỉ sợ dừng của tác giả Vãn Tình đối với cá nhân tôi chính là một đòn bẩy. Đọc cuốn sách đó khiến tôi tự thúc đẩy tinh thần cho chính mình, chứng minh cho bản thân thấy sức mạnh của ý chí nội tại có thể lớn đến đâu. Hiện tại tôi vẫn đang trên đường theo đuổi khát vọng sự nghiệp của chính mình. Cuốn sách đó vẫn luôn là một trong những cuốn tôi yêu thích nhất đến thời điểm này. Gửi bạn một trích đoạn để cảm nhận “màu sắc” của Vãn Tình thay cho lời kết:

“Nhiều người luôn cho rằng, bản thân mình không thể nào kiên trì được nữa, hoặc bản thân họ không đủ tự giác, và kỷ luật. Còn tôi cho rằng, đó là vì họ chưa thật sự hiểu rõ vấn đề.
Ví dụ như nhiều người đều cho rằng, học hành là vất vả, khởi nghiệp là gian nan, cố gắng là mệt mỏi. Nhưng theo những gì tôi biết thì hoàn toàn ngược lại. Cứ mỗi khi học hành mệt mỏi, tôi sẽ tự nhắc nhở mình rằng: Nếu mày không khổ luyện thì sẽ phải sống khổ sở thôi.
Khi bạn không đủ hiểu biết, gặp được một thằng đàn ông tồi lại cứ nghĩ là chân ái, cuối cùng lãng phí thanh xuân, hao tổn tinh thần. Có khổ không?
Khi bạn học hành không đủ, cơ hội đến chỉ biết trân trân đứng nhìn nó dần tuột khỏi tầm tay. Có khổ không?
Khi bạn chưa từng vì học hành cẩn thận, chưa từng tưởng thành, gặp phải vấn đề gì đó không tự giải quyết cũng chẳng thể tự nhờ cậy được ai, kêu trời trời không nghe, than đất đất không thấu. Có khổ không?
Khi bạn chứng kiến những người bạn xung quanh mình sống sung túc, cuộc đời luôn tràn đầy hy vọng, trong khi đó chỉ có mỗi mình sống nửa đời người mà chưa làm được tích sự gì. Có khổ không?
Khi cha mẹ người khác đang được hưởng tuổi già, con cái thì đều đã khôn lớn, thành đạt, còn bạn… bố mẹ thì không thể phụng dưỡng, con cái không thể nuôi nấng. Bạn không thể đáp ứng bất cứ yêu cầu nào của họ. Lúc thấy người ta có đời sống cao như vậy, có khổ không?
Vậy nên tôi vẫn luôn nhắc nhở bản thân mình mỗi ngày rằng: Chỉ cần hôm nay tôi sống tự giác và kỷ luật hơn một chút, cố gắng hơn một chút thì nhất định sẽ không phải trải qua những nỗi khổ ấy. Ngược lại tôi sẽ có được niềm vui sướng vô tận mà cuộc sống này mang lại.
Học hành khiến cho người ta mở mang tầm nhìn, còn kỷ luật lại khiến cho người ta trở nên cao quý, và nho nhã.”
“Khi bản thân mình đủ mạnh mẽ, đủ thành công thì những người xung quanh tự nhiên sẽ được tiếp nhận nguồn năng lượng tích cực ấy. Nó sẽ khiến cho những người tiếp xúc với mình được tiếp thêm động lực, để từ đó, khơi dậy những suy nghĩ và mong muốn thay đổi tích cực sâu bên trong họ. Và khi bản thân họ đã muốn thay đổi thì mọi thứ sẽ cứ tự nhiên mà đến.”
“Một là biết rõ năng lực của bản thân, nguyện sẽ dốc hết sức để thực hiện những nguyện vọng đó, luôn phấn đấu học hành để trang bị kiến thức đầy đủ, cố gắng để xây dựng sự nghiệp vững chắc; không ngừng bồi dưỡng, nâng cao năng lực bản thân; cố gắng để đạt được những điều mình muốn. Bởi vì họ thật sự có khả năng, có năng lực đến cuối cùng họ sẽ đạt được những gì mình mong muốn.
Còn một kiểu người biết rõ mình chỉ là một người bình thường nên chấp nhận sự thật rằng, khả năng của mình cũng chỉ có vậy. Chính vì thế họ sẽ thẳng tay dập tắt những ham muốn nằm ngoài tầm với.
Trong cuộc sống, hai kiểu người này đều là kiểu người thông minh!”


blog-mon.jpg

Blogger: Bùi Bích Ngọc

Bút danh: Diệp Hạ

Blogger- Freelance Writer

 

For work: 

Website:     Diệp Hạ Writer

Gmail:         diepha.writer@gmail.com

Facebook:  Bích Ngọc

Instagram: diepha.writer

Buy me a coffee

z4263648679260_7933fac89ea673d53c2d3be74aefe848_edited.jpg
bottom of page