top of page

Tại sao người đàn ông của bạn không khiến bạn hài lòng?

Nếu bạn là một người phụ nữ, chắc chắn sẽ có lúc bạn nghe một người phụ nữ khác cằn nhằn rằng bạn trai/ chồng của họ tại sao lại tính toán chi li/ vô tâm/ lười biếng/ thiếu ý chí… như thế? Có đến hàng triệu lý do để người ta không hài lòng về người bạn đời của mình, bất kể đến từ phía người chồng hay người vợ, nhưng tôi xin phép được viết từ góc nhìn của một người phụ nữ khi chứng kiến sự bất mãn của người vợ với người chồng, của bạn nữ đối với người bạn trai của họ.

Cách bạn định vị tư tưởng của bản thân sẽ quyết định những việc bạn làm, những việc bạn làm sẽ quyết định người đàn ông của bạn trở thành người thế nào sau hôn nhân.


Tại sao tôi lại nói như vậy? Bạn đã từng được ông bà bố mẹ răn dạy phải trở thành một người phụ nữ như thế nào cho gia đình riêng tương lai của mình chưa? Ai trong chúng ta cũng sẽ được chỉ dạy, nhưng dạy cái gì và như thế nào sẽ ảnh hưởng đến sự hình thành tư tưởng cũng như thế giới quan của bạn đối với hôn nhân và gia đình. Bạn được dạy phải nữ công gia chánh, rằng người đàn ông cần một người vợ biết nấu ăn ngon, biết thu vén nhà cửa, sinh con khoẻ - dạy con ngoan, biết đối nội đối ngoại, biết kiếm tiền, biết giữ thể diện cho chồng và đâu đó còn phải biết “giữ chồng”. Những điều này góp phần tạo nên một hệ tư tưởng mang sứ mệnh hy sinh của những người phụ nữ khi trưởng thành. Những người phụ nữ này phải cố gắng lờ đi những nhu cầu, những mong muốn của bản thân để trở thành người vợ, người mẹ “không có gì để trách”. Trên thực tế, đâu có ai không thích được nhàn hạ, được chia sẻ công việc, được đi đây đi đó, được diện những bộ đồ đẹp, được chăm sóc yêu thương. Họ sợ bị đánh giá tiêu cực nên buộc bản thân phải hy sinh vô điều kiện, cho rằng mình sinh ra là đã được đặt vào vị thế là người chịu thiệt, là người phải chịu đựng. Khi sống cùng những người phụ nữ như thế, những người đàn ông của họ chỉ việc đi làm, hết giờ về tắm rửa sạch sẽ đợi mâm cơm ngon lành được dọn sẵn, sau đó thản nhiên nằm dài xem truyền hình, chơi game, hoặc làm điều mình muốn. Khi những công việc như vậy lặp đi lặp lại mỗi ngày nó trở thành thói quen sống, thành lề lối, nếp nhà của gia đình. Đến một thời điểm khi người phụ nữ trong gia đình không còn chịu đựng được nữa thì những bất mãn hẳn nhiên là không tránh khỏi. Có điều, lúc này bạn mới muốn thay đổi một nếp sống mới cho gia đình mà quanh năm người đàn ông của bạn đã quen là đối tượng hưởng lợi, thì đây là điều không thể. Nếu bạn thành công trong việc thay đổi những thói quen này, thì cái giá bạn phải đánh đổi khá lớn, đánh đổi tình cảm sứt mẻ, đánh đổi hình tượng hoàn mỹ bao năm. Bạn đã vô tình định vị bản thân ở vị trí là người cho đi mà không màng nhận lại, điều này đáng trân trọng, nhưng nó sẽ chỉ mang lại những điều tốt đẹp nếu bạn chung sống cùng một người cũng đối với bạn như vậy. Chỉ có điều xác suất tốt đẹp này ít ỏi đến đáng thương. Bạn cần nhớ rằng, nếu bạn chấp nhận sống vị tha thì không phải ai cũng ý thức được sự hy sinh của bạn, bởi chính bạn cũng đang coi nhẹ công sức của bản thân. Mọi sự mong muốn được trân trọng của những người sống cao cả, trong mắt của người thường đều là sự dở chứng, sự cho đi có tính toán. Giống như câu chuyện cho kẹo vậy, một năm ngày nào bạn cũng cho người ta kẹo, một ngày bạn không cho bạn cũng sẽ mang tiếng xấu vang xa, nhưng với người chưa từng cho ai cái gì, nếu chỉ phát kẹo vào đúng ngày bạn không cho thì người đó sẽ được tung hô như một vĩ nhân. Sự hy sinh đúng lúc đúng chỗ mới tạo nên giá trị của nó.



Ngược lại, với những người phụ nữ định vị bản thân là những người chỉ muốn được nhận. Bạn có cảm thấy những người phụ nữ này sẽ được nhiều hơn mất? Không hề bạn ạ. Lý do tại sao họ chỉ muốn nhận lại, có thể quá khứ trong quá trình trưởng thành họ quá thiếu thốn về vật chất hay tình cảm, hoặc thậm chí cả hai hoặc đơn giản là họ mang nhiều ảo tưởng về bản thân. Họ luôn cảm thấy cần nhiều hơn nữa mọi thứ trong cuộc sống này. Những đối tượng đến với họ sẽ luôn cố gắng hết sức để làm hài lòng những người phụ nữ “có giá” như vậy. Đó còn là bản năng chinh phục của người đàn ông, những cá thể ưa thích phiêu lưu mạo hiểm và cảm giác thử thách, ưa thích mùi vị của thành công khi đạt được mục đích. Những người phụ nữ định vị bản thân là người đòi hỏi, luôn muốn được nhận nhiều hơn và khiêm tốn sự cho đi sẽ là mục tiêu phù hợp với những người đàn ông đó. Họ sẽ có khoảng thời gian cực kỳ tốt đẹp, thế nhưng là sự tốt đẹp không lâu bền nếu một mối quan hệ chỉ có sự cho và nhận một chiều. Bạn sẽ sớm phải trả lại những gì bạn có được từ việc đòi hỏi quá nhiều so với cho đi. Có thể bạn sẽ nói với tôi rằng cô ấy phải có gì đó mới khiến những người đàn ông đó chao đảo. Tất nhiên, sắc đẹp, trí thông minh hay khí chất cuốn hút quyến rũ chẳng hạn, sẽ là điều kiện hợp lý, nhưng thực tế đa dạng hơn tôi và bạn tưởng tượng rất nhiều. Chúng ta chỉ đang nói đến những định vị trong điều kiện lý tưởng để thấy tương quan giữa việc định vị và phạm vi ảnh hưởng.


Cách duy nhất để khắc phục cho hai trường hợp trên là sự cân bằng giữa cho và nhận, giữa hy sinh và đòi hỏi. Phụ nữ ngày nay đòi hỏi về sự bình đẳng nhưng khái niệm thực sự mà giới chuyên môn hướng đến là công bằng giới. Tại sao là công bằng? Công bằng là khi người lành lặn phải tự đi trên đôi chân của mình, còn người khuyết tật về chi chân họ sẽ được di chuyển bằng xe lăn. Còn bình đẳng là cả người lành lặn và người khuyết tật chân đều phải đi bộ, tôi không có hỗ trợ, anh cũng không có hỗ trợ. Bình đẳng trong giới là cả nam và nữ đều phải cùng kiếm tiền một lượng như nhau, cùng một tiêu chuẩn đánh giá như nhau, cùng phải làm một lượng công việc tay chân như nhau. Nhưng thực tế thì không phải vậy, sức khỏe và thể lực không ngang nhau nên sự phân công cần phù hợp với mỗi người. Công bằng giới là sự phân chia phù hợp với giới tính và năng lực của mỗi giới để đạt hiệu quả cuộc sống cao nhất. Nếu bạn cảm thấy bạn hợp làm kinh tế hơn việc gia đình, và anh ấy ngược lại, đừng ngại với sự phân công nữ trụ cột kinh tế - nam nội trợ, hoặc cả hai cùng đi làm nhưng bạn làm kinh tế chính, chồng làm nội trợ chính. Nếu bạn không thể kiếm nhiều tiền hơn chồng, hãy bằng lòng với khoản thu nhập vừa phải không phụ thuộc và lo phần nhiều việc nhà hơn, nhưng bởi cả hai cùng đi làm nên đừng ngại san sẻ một phần việc nhà cho người đàn ông, hãy chọn việc gì cần mang vác nặng hay sửa chữa cho anh ấy. Bạn hãy định vị mình cần phải làm gì và không nên làm gì, để dành phần công việc đó cho bạn trai/ chồng bạn. Bởi khi người ta làm mọi việc như thói quen với lượng công việc phù hợp, nguy cơ bất mãn đối với nhau sẽ hạn chế đi rất nhiều.


Hãy cho đối phương thấy, tôi là người sẵn sàng làm mọi thứ vì gia đình chung của chúng ta và tôi cũng đòi hỏi điều tương tự ở anh, trong hai chúng ta sẽ không có ai cống hiến ít hơn ai cả. Đồng thời đừng để người đàn ông của bạn có suy nghĩ đang giúp bạn việc nhà hoặc giúp bạn kiếm tiền, hãy thống nhất rằng cả hai ta đều đang làm phần việc của chính mình. Việc một người phụ nữ lo toan từ a đến z có thể khiến người phụ nữ đó hạnh phúc trong nhất thời nhưng sẽ khiến cô ấy sống trong ấm ức trong cả phần đời còn lại. Và một người phụ nữ chỉ sống vị kỷ sẽ vĩnh viễn không có được cảm giác ấm áp của gia đình bởi không người đàn ông nào ngốc nghếch để bạn “hút máu” cả đời.


Chắc chắn sẽ có người nói gặp và kết hôn với ai đó là do duyên số sắp đặt rồi, nói chọn lựa chẳng qua cô nào may mắn hơn gặp được người tốt thì ở đó mà “phán”, hoặc nhiều khi lấy về mới phát hiện ra anh ta là người thế nào, ở đó mà dạy người khác cách chọn chồng hay sống với chồng. Tôi không phủ định sự tồn tại của duyên số, hay sự giả tạo của ai đó mà phải sống chung bạn mới nhận ra. Nhưng tôi tin là gặp nhau do duyên số còn để cưới và sống với nhau như thế nào là do lựa chọn của bạn. Tôi từng tiếp xúc với đàn ông tồi, đàn ông tốt, đàn ông có bản lĩnh hay đàn ông kém cỏi. Khi bạn thực sự đứng ở khía cạnh khách quan để nhìn nhận một con người, khách quan mà ứng xử với một người thì bạn sẽ hạn chế được rất nhiều nguy cơ phải yêu hay kết hôn với một người khiến bạn không hài lòng. Chẳng qua khi tâm trí bạn đã “chấm” một ai đó, mọi hooc-môn trong cơ thể chúng ta đều thi nhau kêu gào để bào chữa cho mọi điều ta không muốn chấp nhận. Để rồi khi thực tại tặng cho ta một cú ngã đau điếng thì ta lại kêu gào cuộc đời này bất công và tệ bạc. Tôi mong muốn các bạn không chỉ định vị tư tưởng của mình mà còn định vị công việc, sự phấn đấu, định vị kiến thức, định vị nhan sắc của bản thân sao cho toàn diện. Khi bạn không thập toàn thập mỹ nhưng cửu toàn cửu mỹ cũng đủ để có một sự lựa chọn tốt rồi. Kể cả khi bạn phủ nhận đạo lý mây tầng nào gặp mây tầng đó, thì cuộc đời sẽ cho bạn thấy thế nào là đạo lý dùng cả đời để đánh đổi. Khi bạn không tin vào thuyết nhân quả, rằng bản thân có tốt đẹp mới mong có một đời tốt đẹp, thì bạn đang đem cuộc đời mình ra đánh cược, đem bản thân làm chuột bạch thí nghiệm cho mỗi một lựa chọn mang tên “duyên số” của mình. Chúc bạn và tôi, một đời không hối hận!

Ảnh: Unsplash.


Comments


blog-mon.jpg

Blogger: Bùi Bích Ngọc

Bút danh: Diệp Hạ

Blogger- Freelance Writer

 

For work: 

Website:     Diệp Hạ Writer

Gmail:         diepha.writer@gmail.com

Facebook:  Bích Ngọc

Instagram: diepha.writer

Buy me a coffee

z4263648679260_7933fac89ea673d53c2d3be74aefe848_edited.jpg
bottom of page