top of page

Tại sao tôi viết?


Tôi biết mình yêu viết lách.

Tôi là một người thích trút bỏ suy nghĩ của mình vào chữ viết. Tôi có thể “buôn dưa” với người thân, bạn bè hàng tiếng đồng hồ, dù sau này tôi thấy việc này ngoài lợi ích giảm căng thẳng và tăng sự kết nối thì cũng khá mất thời gian. Nhưng tôi không dễ để bộc lộ hoàn toàn mọi suy nghĩ nội tâm với tất cả mọi người, chỉ giới hạn ở số ít mối quan hệ thân thiết. Hầu hết những suy nghĩ này được tôi đưa vào những con chữ. Tôi thực sự cảm thấy thoải mái và được thả lỏng khi viết ra hết nội tâm của mình. Tuy nhiên, chẳng có con đường nào là dễ dàng. Để có một ngày nhận ra chính mình yêu thích việc viết lách, tôi đã trải qua một quãng đường viết hết sức bản năng. Thậm chí, tôi chỉ tìm đến con chữ khi tôi cần sự an ủi. Không phải lúc nào tôi cũng gắn bó với viết như một người bạn đồng hành. Hiện tại mỗi khi tôi hồi tưởng lại, tôi chỉ mong muốn bản thân nhận ra niềm yêu thích ấy sớm hơn. Như vậy, tôi đã không mất quá nhiều thời gian để thấu hiểu mình thực sự muốn gì. Không sao cả, ít nhất ngay lúc này tôi đã biết mình cần gì, muốn gì, định hướng cho bản thân thế nào để đạt được ý nguyện. Chưa bao giờ là quá muộn với những người dám ước mơ và phấn đấu vì nó.


Tôi tìm đến viết hết sức tự nhiên, như thể trong tôi vốn đã có nhu cầu được viết. Khi tôi chín tuổi, tôi đã tự làm quen với việc viết bằng những trang nhật ký. Tuy nhiên, sau đó khi mẹ tôi bắt được và đọc chúng, tôi cảm thấy bối rối, xấu hổ. Mẹ tôi là một người truyền thống, bởi thế nên cách giáo dục của bà cũng có phần khuôn khổ, không nhiều sự cởi mở, cảm thông, nhất là khi tôi còn bé. Điều này chỉ được cải thiện khi tôi lớn lên, dần tự chủ cuộc sống của chính mình. Sự kiện bị mẹ cưỡng chế đọc nhật ký và mắng mỏ khiến cho tôi từ bỏ thói quen viết nhật ký của mình. Một bé gái chín tuổi dần dần học cách ôm tâm sự trong lòng, trở nên trầm tĩnh hơn. Tôi tự hứa với chính mình rằng sẽ không bao giờ viết ra suy nghĩ nội tâm trên giấy nữa. Tôi không muốn trải qua cảm giác bị người khác nhìn thấu những cảm xúc riêng tư, bị chê trách một cách tiêu cực. Tự nhủ với lòng rằng, chỉ cần mình không viết ra, mọi thứ vẫn tồn tại trong trí nhớ, sẽ không ai thấy được hết. Sau này tôi mới hiểu, cách mẹ tôi phản ứng thể hiện sự phẫn nộ đối với chuyện bạn bè trêu chọc, sự thương xót cho cảm xúc của tôi. Vậy là tôi nghĩ tôi đã từ bỏ không còn dính dáng gì đến chuyện viết lách, tập trung học và bỏ quên những cảm xúc ngoài luồng khác như mẹ muốn. Chỉ là như một lẽ tự nhiên, tôi không dừng lại ở đó.



Khi tôi vào cấp hai, môi trường xung quanh thay đổi nhiều. Không phải là bạn bè ngây ngô chơi nhảy dây, ngồi vẽ linh tinh giờ ra chơi như thời tiểu học. Cấp hai trong tôi là một môi trường “manh động” và ngỗ ngược hơn nhiều. Điều đó có lẽ đã khiến tôi có thêm nhiều sự bạo dạn, sôi nổi. Tôi đã thử viết truyện khi học lớp sáu đem cho chị em của mình đọc. Tuy nhiên, với khả năng không có chút thiên bẩm nào, truyện tôi viết đơn thuần là viết tay trên cuốn sổ, nội dung lôm côm “nhái” chi tiết ở những bộ phim hoạt hình hoặc truyện tranh đã xem. May thay, chị em của tôi thật bao dung khi đã không chê bai nó một cách phũ phàng, không khó để họ cũng phát hiện ra những chi tiết hết sức “pha ke” đó. Không quá một tuần, tôi bỏ ngang tác phẩm chắp vá của mình vì cạn ý tưởng. Có lẽ, ngay từ đầu tôi đã chưa thực sự có ý tưởng gì với nó.


Đến tuổi mười lăm mười sáu mơ mộng, tôi biết đến báo Mực Tím và Hoa học trò. Tôi mê mệt những truyện ngắn trong mỗi số báo. Sự ẩm ương trong tôi lại nổi lên khiến tôi tự viết truyện ngắn gửi cho báo. Hết sức thiếu chuyên nghiệp và đầu tư, tôi lại làm ra một tác phẩm viết tay trên nền giấy in hoa lá màu mè, lóc cóc đạp xe ra bưu điện tỉnh gửi thư đến tòa soạn. Lúc đó, tôi đã xin được mẹ hai nghìn đồng mua phong bì và tem thư, trong lòng chắc mẩm có nhuận bút về sẽ trả mẹ nhiều hơn, lúc đó chắc mẹ sẽ rất tự hào. Đời không như là mơ, lá thư của tôi bặt vô âm tín, tôi nghĩ có lẽ nó qua cửa bảo vệ là có thể bay thẳng vào sọt rác nào đó rồi, chỉ liếc qua là đã bị loại. Tôi có hy vọng bài viết của mình được duyệt đăng. Nhưng khi không nhận được sự phản hồi nào, tôi cũng không quá thất vọng. Tôi cảm thấy điều đó cũng đúng, bởi những bài viết được báo đăng tải đều rất xuất sắc, nếu không tôi đã không mê mẩn đến thế. Một lần nữa, với suy nghĩ “mình thất bại với viết lách là điều dễ hiểu”, tôi từ bỏ không còn viết bài gửi báo nữa. Trong cuộc sống thường ngày, tôi chỉ còn lại phảng phất những câu chuyện tưởng tượng, những tâm tư tuổi mới lớn trong đầu. Tôi không biến chúng trở thành hữu hình qua con chữ. Bởi vậy, mọi thứ cứ hiện ra, rồi lại mất đi, lặng lẽ như chưa từng tồn tại.


Sau này, khi sống một mình ở Hà Nội để đi học, xa nhà và nhiều biến cố nho nhỏ khiến tôi mang tâm sự muốn trút bỏ. Tôi lại có thói quen viết tay những gì mình nghĩ ra sổ. Có lúc rất dài, có lúc rất ngắn. Nhưng mỗi khi viết xong, tôi sẽ cảm thấy thoải mái. Tôi viết hết ba cuốn sổ, không thường xuyên mỗi ngày nên tôi không muốn gọi chúng là nhật ký, gọi là “sổ tâm sự”. Cho đến khi đi làm, tôi không còn thời gian để viết nữa. Gần đến lúc lập gia đình, tôi đã ngồi đọc lại một lượt như một nghi thức tạm biệt những kỉ niệm. Rồi tôi đem bỏ chúng đi. Tôi không chối bỏ cảm xúc và quá khứ, tôi chỉ muốn mang chúng in lại trong trí nhớ của mình, buông bỏ để bước sang một hành trình mới của cuộc đời. Thời điểm này, tôi thực sự coi viết là một người bạn đồng hành, chia sẻ những cảm xúc đa sắc màu. Khi tôi sống một mình, tôi viết mà không cần lo lắng ai sẽ thấy nó, ai sẽ chê cười hay trách móc. Đó là cảm giác được chia sẻ một cách an toàn, viết lách không giống bất kỳ người bạn nào ngoài kia. Bạn nói với một người nào đó về một câu chuyện, người đó sẽ nhìn nhận chúng dưới góc nhìn của họ. Nhưng viết lách thì không, con chữ có linh hồn của mình, nó rất trong sáng, không phán xét, không cổ súy, không chê bai. Con chữ chỉ điềm đạm nằm yên trên mặt giấy lắng nghe nội tâm của tôi. Chỉ khi nào mọi thứ trong tôi trở nên thái quá, những con chữ mới thể hiện điều ấy ra, giúp tôi nhìn rõ và cố gắng kiểm soát bản thân.


Sau bốn năm học đại học, tôi ra trường với tấm bằng Marketing loại khá. Nhưng tôi vẫn mông lung không biết lựa chọn ngách nào trở thành chuyên môn chính, phải bắt đầu từ đâu để thực hiện nó. Tôi vẫn yêu thích viết lách nhưng tôi vẫn không nghĩ viết lách sẽ trở thành công việc, thâm chí sự nghiệp. Tôi yên phận làm một nhân viên văn phòng bình thường. Cho đến khi sinh con, tôi bẻ lái cuộc đời mình sang hướng khác, nghỉ việc hẳn và ở nhà chăm con, dự định đến khi con đi lớp sẽ tìm một công việc mới. Trong khoảng thời gian này, có những lúc tôi cảm thấy khủng hoảng về tinh thần. Tôi tìm đến sách để việc đọc giúp đầu óc thư giãn, được tĩnh tâm và kiểm soát cảm xúc tốt hơn. Đọc được nhiều sách hơn, tôi bắt đầu nảy sinh ý tưởng rèn luyện để viết một cuốn sách trong tương lai. Nhưng tôi không biết bắt đầu từ đâu. Tôi cần tạo ra thu nhập để đầu tư cho việc học, mục tiêu là trở thành người chuyên nghiệp. Để có thể viết sách, cần học và luyện tập rất nhiều. Từ đó, tôi quyết định kiếm công việc cộng tác viên viết lách vừa kiếm tiền, vừa rèn luyện khả năng viết, biết cách làm việc hơn.


Tôi tìm thấy sự nghiệp của mình trong viết lách.

Trước mắt, tôi tìm được một công việc làm tại nhà, tôi có thêm thu nhập và tiện việc chăm sóc con. Tôi muốn dành thời gian học thêm, trau dồi một kỹ năng chuyên môn thật tốt để trở thành nghề nghiệp thực sự lâu dài. Tôi học chuyên ngành Marketing, tôi không muốn bỏ phí nó. Nhưng làm thế nào để theo nghề, vẫn được làm điều mình yêu thích? Tình cờ thấy được hội nhóm của những người làm freelance, làm content, tôi tham gia với mục đích tìm hiểu về nghề và học hỏi những kinh nghiệm họ chia sẻ. Sau một thời gian, tôi lần mò tìm ra hướng đi để phát triển bản thân. Những người giỏi cũng bắt đầu từ con số 0, vậy thì mình cũng có thể phấn đấu để được như họ. Bắt đầu từ đây, tôi xác định công việc mình muốn, sự nghiệp mình mong đợi và tìm cách cụ thể hoá nó.

Để biến một ý thích trở thành công việc tạo ra giá trị vật chất đã khó, công việc đó muốn trở thành một sự nghiệp hoàn chỉnh càng khó hơn. Thiết nghĩ, làm gì có quả ngọt nào dễ hái, mọi thứ đều cần nỗ lực và hy sinh. Nếu tôi đã lựa chọn thì tôi không thể mất thời gian đắn đo thêm. Bản thân phải bắt tay vào làm việc, cứ bước đi dù có không lên đến đỉnh núi cũng sẽ lên được sườn núi. Không nhấc chân thì tôi sẽ mãi mãi chỉ có thể đứng dưới chân núi mà ngước lên.


Tôi yêu thích viết lách và muốn sống với nó, muốn dùng niềm yêu thích của mình để tạo ra vật chất. Tôi vực mình tìm một công việc làm tại nhà, khởi điểm là cộng tác viên cho một trang báo mạng mới xây dựng. Tôi nhận được phản hồi tốt từ biên tập viên và kiếm được cho mình những đồng tiền đầu tiên từ viết lách. Tôi đã suy nghĩ kỹ việc mình nên chọn lựa thế nào đối với công việc. Thời gian tiếp đó tôi gửi bài tham dự một dự án sách của Công ty TNHH Văn hoá Đông Tây. Bài viết của tôi được chọn để tham gia dự án, tất nhiên quá trình biên tập sau đó mới quyết định bài viết của tôi có thực sự được đưa vào sách và xuất bản hay không. Nhưng chút thành tích nho nhỏ đã cho tôi niềm cổ vũ lớn lao. Tôi nhận ra mình đã tìm được việc mình thật sự muốn làm, niềm yêu thích thực sự của mình. Thay đổi lớn này khiến cho bản thân tôi cảm thấy mình sống có ý nghĩa hơn.



Viết lách còn giúp tôi thấu hiểu bản thân, thấu hiểu những “biến hoá” xung quanh cuộc sống của mình.


Lợi thế của tôi là viết về những trải nghiệm thực, những suy nghĩ, quan điểm của cá nhân về mọi mặt đời sống. Tất nhiên, tôi vẫn còn nhiều khuyết điểm, tôi cần khắc phục những cảm xúc chủ quan trong bài viết. Tôi học cách để có cái nhìn khách quan và đa chiều hơn. Nhưng mỗi khi một bài viết hoàn thành, cho dù là viết để kiếm tiền, hay viết cho chính mình thưởng thức, tôi đều cảm thấy vui mừng và thoả mãn. Để có thể đi đến con được trở thành một tay viết chuyên nghiệp, tôi cần học thêm nhiều hơn các kỹ năng, khai thác những ưu nhược điểm của bản thân, trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn. Mỗi một ngày trôi qua, tôi càng cảm thấy viết lách giúp tôi nhìn sâu nội tâm của mình, vị tha và cả ích kỷ, rụt rè và tham vọng, lo sợ và liều lĩnh. Việc viết khiến tôi phải tìm hiểu nhiều và sâu về mỗi vấn đề trong cuộc sống. Khi tìm hiểu, nghiền ngẫm là một lần thu về cho mình trải nghiệm quý giá.

Sau khi hiểu rõ chính mình, tôi bắt đầu mường tượng trong đầu về con đường sắp tới. Ai cũng có thể ước mơ, nhưng thực hiện được thì không phải ai cũng làm được. Muốn biến ước mơ trở thành nhiệm vụ khả thi, tôi cần một kế hoạch cụ thể mình phải làm gì, lộ trình thật chi tiết mình cần làm gì, trong bao lâu, với ai, kết quả ra sao.


Tôi bắt tay vào việc xây dựng lộ trình mình phải đi.

Trước tiên, tôi đăng ký khóa học viết chuyên nghiệp với mục tiêu thu về cho mình những kỹ năng. Ngành nghề nào cũng vậy, kỹ năng chuyên môn thực sự rất quan trọng. Nếu nói sự nghiệp là ngôi nhà thì kỹ năng và thái độ là nguyên liệu tạo nên nền móng vững chắc. Nếu sau quá trình học, tôi có may mắn được kết nối với những người làm nghề chuyên nghiệp thì tôi sẽ học hỏi được rất nhiều hoặc biết đâu tôi sẽ có thể có cơ hội làm việc với họ. Ngày bé, tôi từng sợ người khác đọc được những gì mình viết. Nhưng hiện tại, tôi không ngại chia sẻ cho mọi người xem những gì tôi viết. Bởi tôi đã trưởng thành hơn trong cả con người và kỹ năng. Mặc dù tôi còn cần trải nghiệm nhiều hơn thế, chí ít việc thể hiện bản thân nhiều hơn cũng là một cách rèn luyện. Tôi cũng có thể nhìn rõ bản thân khác đi mỗi ngày. Muốn đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện bản thân, việc học hỏi những người chuyên nghiệp và không sợ những phản hồi dù tiêu cực hay tích cực là cần thiết. Sự thay đổi trong tư tưởng này khiến tôi cảm thấy mình bản lĩnh hơn ngày trước, dám dấn thân. Điều này khiến cho kế hoạch và dự định tương lai của tôi tăng thêm tính khả thi.


Bên cạnh sự củng cố về tinh thần và tư duy, những bước tiếp theo trong lộ trình cũng cần được chuẩn bị.


Sau khi hoàn thiện kỹ năng cơ bản, tôi sẽ học tiếp ngoại ngữ với mục tiêu giao tiếp thành thạo và đọc hiểu những tài liệu tiếng nước ngoài. Song song với học ngoại ngữ, tôi muốn sắp xếp nhận việc làm tự do để có thêm thu nhập đầu tư cho việc học.

Tôi định hướng trong tương lai, có thể là ba năm hay năm năm, mình có thể viết một cuốn sách về đời sống của phụ nữ. Tôi muốn tạo ra một cuốn sách có thể giúp ích khiến phụ nữ là độc giả của tôi. Để thay đổi tư duy của họ thì trên thị trường đã có rất nhiều những cuốn sách như thế. Nhưng để những cuốn sách thực sự đi vào ứng dụng thực tiễn thì tôi cảm thấy không nhiều.


Đây là một hành trình dài, một công việc cần nhiều sự đầu tư về thời gian, công sức, chất xám. Tôi biết mình sẽ phải nỗ lực rất nhiều, sửa đổi rất nhiều mới có thể có được một sự nghiệp mang tên mình. Nhưng hiện tại, tôi cảm thấy vui cho bản thân vì đã dám bắt đầu, tôi không muốn bàn lùi và bỏ cuộc, vì tôi đã là một người mẹ. Hơn tất cả, tôi muốn trở thành một tấm gương cho con, sự nghiệp làm nghề cũng dài và khó nhằn như sự nghiệp làm mẹ vậy.



Ảnh: Unsplash.


Comments


blog-mon.jpg

Blogger: Bùi Bích Ngọc

Bút danh: Diệp Hạ

Blogger- Freelance Writer

 

For work: 

Website:     Diệp Hạ Writer

Gmail:         diepha.writer@gmail.com

Facebook:  Bích Ngọc

Instagram: diepha.writer

Buy me a coffee

z4263648679260_7933fac89ea673d53c2d3be74aefe848_edited.jpg
bottom of page