Đọc sách, nhiều thể loại, nhiều tác giả.
Đọc nhiều sách giúp bạn mở rộng vốn từ của bản thân, nhiều tác giả khác nhau sẽ mang đến màu sắc khác nhau, mỗi người một văn phong. Bạn sẽ học hỏi được nhiều hơn ở những tác giả phong cách mới lạ. Các thể loại sách khác nhau cung cấp vốn kiến thức đa dạng, là tư liệu viết quý báu dành cho bạn. Kiến thức và hiểu biết khiến cho bài viết của bạn có thể có nhưng liên hệ mới mẻ, có giá trị, không trùng lặp với bất kỳ ai bởi đó là tư duy của riêng bạn. Ví dụ: bạn viết về chủ đề mẹ và bé, nếu bạn biết thêm kiến thức quản lý tài chính, bạn có thể viết một bài về cách quản lý tài chính cho mẹ đơn thân, hoặc cách để tạo ra thêm nguồn thu nhập thụ động cho mẹ bỉm làm nội trợ.
Bước chân đến nhiều nơi.
“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Đây không phải là lời nói suông, bạn thực sự nên thực hành theo, hãy đi thật nhiều nơi. Việc đó giúp bạn tích lũy thêm những trải nghiệm, thứ mà bạn không thể tự nhiên mà có, cần phải chăm chỉ gom nhặt sau thời gian dài. Những trải nghiệm giúp cho bài viết thêm sâu sắc và khác biệt, là điều bạn riêng có, không trùng lặp với bất kỳ ai. Vậy nên, khi cảm thấy mất sự sáng tạo, hãy đi đến một nơi khác, xa lạ càng thú vị. Nếu bạn viết về chủ đề du lịch, ẩm thực, review các quán cafe thì đi nhiều nơi, tự mình trải nghiệm thực tế là điều cần thiết để có một bài viết chất lượng. Bạn đừng nghĩ chỉ ngồi một chỗ search google là có thể viết được bài, bởi theo cách đó, bài viết của bạn không có độ chân thực, máy móc và trùng lặp. Chưa kể, nếu người đọc trải nghiệm sau khi đọc bài của bạn thấy không đúng thực tế, bạn sẽ đánh mất uy tín trong lòng họ, lâu dần, bạn không giữ chân được độc giả nữa.
Tập quan sát và quan sát thật nhiều.
Bài viết của bạn rất cần những dẫn chứng thực tế để tăng tính thuyết phục cho người đọc. Mỗi khi bạn quan sát được con người hay sự việc nào đó thú vị, thậm chí đơn giản là một vài câu chiêm nghiệm cuộc sống tự nhiên bật ra, bạn hãy lập tức ghi nó lại. Việc ghi chép nhanh là một cách tự tạo cho bạn một “kho” ý tưởng lưu trữ. Bất cứ khi nào cảm thấy bí ý tưởng, tư duy trì trệ, mở ra đọc “kho tàng” ấy một lượt, bạn nhất định sẽ cho ra “lò” một bài viết mới thực sự hay ho. Việc quan sát cũng giúp bạn rèn luyện khả năng nhạy bén, nắm bắt con người và tình huống, giúp ích cho công việc viết lách. Cụ thể với thể loại viết Storytelling, bạn cần vận dụng kỹ năng kể chuyện bằng hình ảnh, dùng những từ ngữ miêu tả để người đọc hình dung ra một thước phim trong đầu, lúc nào, khả năng quan sát và truyền tải lại những gì đã quan sát được sẽ quyết định bài viết của bạn thành công đến đâu.
Quên kỹ thuật viết đi, hãy viết thứ đang nhảy múa trong đầu bạn.
Khi bắt đầu viết, bạn được viết theo cảm xúc trước, sau đó học các kỹ thuật viết. Việc phải chú ý đến các kỹ thuật viết làm giới hạn mạch sáng tạo của bạn. Vậy nên khi đã học và luyện tập trôi chảy các kỹ thuật. Bạn hãy viết bắt đầu bằng việc quên hết kỹ thuật đó đi, viết bằng bản năng, bằng những gì bạn tâm đắc. Bởi vậy mà phần mềm viết nguy hiểm nhất thế giới đã ra đời, giúp cho người viết làm sống lại những cảm xúc và phản xạ viết trong não bộ. Sau khi đã hoàn thành bài với trí sáng tạo, bạn cần biên tập lại bài viết sao cho đúng kỹ thuật cần thiết: rà soát lỗi chính tả, dấu câu, diễn đạt, lặp từ, thiếu thành phần câu…
Đọc thêm bài viết: Tại sao tôi viết?
Đừng để tâm quá nhiều đến những nhận xét, đánh giá.
Viết là công việc, bài viết là tác phẩm của bạn. Tác phẩm không có một barem chính xác nào cả, không ai định lượng được chính xác đáp án của một đề bài nào thuộc về viết lách. Harry Potter của JK. Rowling đã từng bị từ chối mười hai lần trước khi trở thành bộ tiểu thuyết kinh điển, chuyển thể thành phim ăn khách. Bởi vậy, bạn cần học cách đánh giá khả năng của bản thân, tin vào điều đó, khiêm nhường chứ không tự ti. Việc để tâm đến những đánh giá tiêu cực không mang tính xây dựng sẽ khiến bạn kiệt quệ tinh thần. Bạn vướng vào vòng luẩn quẩn, tâm trạng xấu viết ra tác phẩm tệ, tác phẩm tệ lại khiến tâm trạng càng trở nên không tốt hơn nữa. Vậy nên, tốt nhất bạn đừng quan tâm nếu những ý kiến không khiến bạn cảm thấy được sửa đổi.
Ảnh: Unsplash.
Comments